Thuyết ‘Vô vi’ của Lão Tử: ‘Không làm gì’ cũng là một loại đại trí

Vô vi không có nghĩa là không làm gì, mà là để sự việc phát sinh một cách tự nhiên trong sự hòa hợp với Đạo.

Steve Jobs từng nói một câu kinh điển: “Đời người, quyết định quan trọng nhất không phải là bạn làm gì, mà là những gì bạn không làm”.

Câu nói chứa đựng triết lý to lớn mang tên gọi “Vô vi” – tư tưởng của triết gia Lão Tử.

Lão Tử nói: “Vô vi nhi vô bất vi”. Hiểu một cách nôm na đó là nếu bạn thấy ổn khi không làm gì thì không nên làm. Thiên nhiên trời đất vốn đã vận hành thành chu kỳ tự nhiên, nếu chúng ta tác động vào một yếu tố nào đó thì cũng xem như đã làm đảo lộn chu trình trên. Nếu chúng ta không làm gì cả, cũng tức là đảm bảo được chu trình trên vẫn hoạt động bình thường. Thuyết này đặc biệt hiệu quả trong trường hợp chúng ta chưa biết phải làm thế nào khi đứng trước một sự việc, theo Lão Tử thì tốt nhất là không nên làm gì cả.

Thuyết 'Vô vi' của Lão Tử: 'Không làm gì' cũng là một loại đại trí - Ảnh 1.

“Không làm” không phải là buông bỏ tất cả

“Vô vi”, hay chính là “không làm”, không phải kiểu hành vi tiêu cực “không làm gì hết”, mà là cách sống nhận được nhiều lợi ích hơn “làm”. Bằng cách dừng ý nghĩ “hành động”, chúng ta có thể thoát khỏi sự bồn chồn và tìm ra cách mới cho chính mình, tìm kiếm giá trị mới trong sự đơn giản, nhẹ nhàng và phát huy “sức sống” vốn có.

Trong cuộc sống, chúng ta thường đề cao vai trò của việc làm một việc gì đó mà bỏ qua cái lợi của việc “không làm”.

Thông thường, con người thường nhìn thấy “hữu vi” (làm chuyện gì đó) sẽ tốt với bản thân hơn. Nhưng trên thực tế, chúng ta cũng có thể giảm thiểu những kết quả xấu bằng cách “vô vi” (không làm gì cả).

Nhiều người không thích “vô vi” vì thường cho rằng “phải làm gì đó” mới tích cực hướng về phía trước. Mà “không làm” được gắn mác tiêu cực. Lắm lúc, chúng ta sợ bản thân bị người khác nhìn vào sẽ nghĩ mình “tiêu cực” hoặc không cầu tiến, nên chúng ta thường đè nén ý nghĩ “không muốn làm gì” xuống đáy lòng. Thực tế cho thấy, “làm nhưng loạn” càng gây ra ảnh hưởng to lớn hơn “không làm” rất nhiều.

“Không làm” là một loại đại trí

Để hiểu rõ hơn về thuyết “vô vi” của Lão Tử, chúng ta đến với ví dụ sau:

Khi chứng kiến cảnh con hổ vồ con hươu, nếu bắn chết con hổ để cứu con hươu thì chúng ta đã có thể giết hại cả đàn hổ con đang chờ miếng ăn của hổ mẹ. Nếu giúp con hổ bắt con hươu dễ dàng hơn thì lại có lỗi với con hươu. Song chúng ta cứ để cho sự việc xảy ra một cách tự nhiên mới là phải đạo nhất. Lý thuyết này thực sự hiệu quả khi giải thích lý do tại sao phải bảo tồn thiên nhiên, và phương pháp bảo tồn hiệu quả nhất là không làm gì cả, để tự nhiên tự sinh sôi nảy nở, tự sinh tự diệt.

Thuyết 'Vô vi' của Lão Tử: 'Không làm gì' cũng là một loại đại trí - Ảnh 2.

Nên biết rằng hầu hết vấn đề phát sinh đều xuất phát từ hành động của chúng ta, từ đó mới dẫn đến nghịch cảnh, cuộc đời chông chênh bất thường. Bản chất của con người vốn dĩ hoạt bát hiếu động, có xu hướng đón nhận những điều khiến ta vui vẻ và phân tâm. Nhưng đa phần chúng ta không thể kiên trì đến cùng.

Nếu một người quyết định không suy nghĩ quá độ, họ sẽ tránh trường hợp bị mắc kẹt trong vấn đề, từ đó ít bị lo lắng, nóng nảy, bất an. Nếu một người có thể tiết chế được cuộc sống cảm xúc của bản thân, không chủ động khám phá những điều bất thường, họ sẽ tránh được những tai họa xuất phát từ tình cảm phức tạp, lòng người khó hiểu. Nếu một người thận trọng lựa chọn, không làm những chuyện có độ rủi ro cao, họ sẽ tránh được những sai lầm ngốc nghếch.

Nên nhớ rằng sức lực của mỗi người đầu tư vào việc tập trung rất hạn chế. Một khi bạn tập trung vào thứ này, cũng có nghĩa là bạn sẽ mất sự tập trung vào thứ khác. Nhất là trong thời đại thông tin quá tải và tràn lan, chúng ta khó lòng lựa chọn và tập trung vào một thứ, từ đó dễ mất đi sự lý trí và tỉnh táo.

Sở dĩ Lão Tử nói con người “không làm gì” là vì “không làm bất cứ thứ gì” không phải chuyện dễ, đòi hỏi sự hoạt động trí lực cao cấp. “Vô vi” càng khó làm hơn cả “hữu vi”.

Trong đa số tình huống, chúng ta thường không thể kiềm chế được sự hoạt bát hiếu động trong nội tâm, lúc nào cũng muốn nghĩ cái này, làm cái kia, nhưng trước đó lại quên hỏi bản thân: “Vì sao phải làm chuyện này?”, “Vì sao không làm chuyện này?”.

“Vô vi” không có nghĩa là không làm gì, mà là để sự việc phát sinh một cách tự nhiên trong sự hòa hợp với Đạo. Vì vậy cần thực hiện những gì cần thiết, nhưng không vượt quá nhiệt tình và hành động mù quáng. Đây là một trạng thái của sự im lặng nội tâm, vào đúng thời điểm, hành động đúng có thể xuất hiện mà không cần nỗ lực của ý chí.

Nguồn: Zhihu

Theo Trung Hạ

549 Lượt xem

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *